Diễn đàn lớp 09TCT trường CĐ KT-KT Đông Du
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn lớp 09TCT trường CĐ KT-KT Đông Du

You are not connected. Please login or register

Những thói quen công nghệ nên bỏ

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Admin

Admin
Admin
Admin

ICTnews – Ăn công nghệ, uống công nghệ, làm việc công nghệ và ngủ cũng… công nghệ nên đôi khi chúng ta không biết rằng mình đang tự làm khó mình vì những thói quen không tốt.

1. Bỏ qua những phần mềm bảo mật

Có nhiều người “kinh nghiệm đầy mình” đến mức sẵn sàng dùng một chiếc máy tính có nối mạng mà không cần bất cứ một phần mềm bảo mật nào. Họ cho rằng, chỉ cần lưu ý với những trang web, đượng link mà họ bấm vào, email mà họ mở ra… sẽ giúp họ không cho bất cứ một con virus nào xâm nhập máy tính.

Đây là một quan niệm hết sức sai lầm vì những kẻ tấn công mạng ngày nay tinh vi và khốn khéo hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Hãy dùng ít nhất một phần mềm bảo mật, kể cả đó là một phần mềm miễn phí với số tính năng hạn chế, nó cũng sẽ giúp cho bạn giảm thiểu được đáng kể những rắc rối về sau.

2. Không bao giờ sao lưu dữ liệu

Điều đáng buồn cười là tất cả những người thừa nhận việc họ không bao giờ sao lưu dữ liệu trên máy tính thường bào chữa bằng câu: “Tôi biết việc này là không tốt nhưng…”.
Nhưng hãy nhớ, tất cả những chiếc ổ cứng đều có thể “toi” bất cứ lúc nào và mang theo vô số những tài liệu quan trọng của bạn. Tại sao cứ trì hoãn việc bảo vệ chính mình?

3. Chủ quan với dữ liệu sao lưu
Một tên trộm đột nhập vào nhà bạn và khoắng mất chiếc laptop. “Xót đứt ruột” nhưng điều bạn cảm thấy bớt lo lắng là số dữ liệu của mình vừa được sao lưu ra chiếc ổ cứng di động tối hôm qua. Nhưng khi tìm đến chỗ dữ liệu sao lưu ấy thì bạn mới phát hiện ra rằng chính chiếc ổ cứng đó cũng đã bị tên trộm mang theo vì nó được đặt gần chỗ chiếc laptop.

Tình huống giả định này cho thấy, hãy luôn sao lưu dữ liệu ở nhiều chỗ khác nhau, để chúng cách xa chiếc máy tính vừa được sao lưu và chuẩn bị cho những trường hợp xấu nhất.

4. Trả lời thư rác

Vì sao những kẻ phát tán thư rác vẫn có cơ hội tiếp tục công việc của mình? Bởi trên thế giới vẫn có một lượng người “vừa đủ” gửi thư phản hồi và mang lại lợi nhuận cho kẻ gửi. Hãy nhớ kể cả khi bạn bấm vào liên kết "remove me" (gỡ khỏi danh sách người nhận quảng cáo) cũng được tính là thư rác đó đã có người phản hồi.

5. Đi lại với chiếc laptop vẫn hoạt động

Mang một chiếc laptop đang hoạt động từ bếp lên phòng khách? Không vấn đề gì. Mang chiếc laptop chưa được “shut down” từ văn phòng về nhà? Một việc làm tồi tệ.

Hãy nhớ việc rung lắc của sự di chuyển, lên xuống cầu thang… có thể khiến ổ cứng của chiếc máy tính chết “bất đắc kỳ tử” hay chiếc laptop có thể bị nóng quá mức khi bị bọc kín trong túi đựng.

Hãy nhớ tắt máy tính trước khi mang nó di chuyển. Các mẫu laptop còn có tính năng cho phép tự động tắt máy khi gập nắp lại nên hãy kích hoạt tính năng này để đề phòng trường hợp quên.

6. Sử dụng laptop trên giường

Đây là thói quen của rất nhiều người và là một thói quen rất nguy hiểm. Khi sử dụng laptop trên giường, rất có thể bạn sẽ vô ý để nó lên trên gối hay bị các vật dụng khác bít mất đường thoát khí tản nhiệt làm giảm tuổi thọ của máy, gây quá nhiệt, cháy… Thêm vào đó, sử dụng laptop trên giường, bạn sẽ ở trong trạng thái không thoải mái và việc đó rất có hại cho các khớp xương cổ, tay, lưng… hay các dây chằng và gây ra những căn bệnh nguy hiểm.

7. Cái gì cũng in

Bạn đã có một bản tài liệu “mềm” và bạn có thể đọc, lưu trữ hay chuyển qua lại một cách dễ dàng… tại sao bạn lại phải in nó ra? Kể cả khi một tài liệu cần sử dụng chữ ký tay thì bạn vẫn có thể chèn một chữ ký được tạo sẵn cơ mà.
Hãy giảm thiểu việc in ấn để tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường.

8. Mang máy ảnh ra bờ biển

Thật khó để không sử dụng chiếc máy ảnh khi đi nghỉ ở biển cùng với gia đình hay bạn bè nhưng bạn hãy lưu ý rằng chỉ cần 1 hạt cát rất nhỏ lọt vào trong cũng có thể khiến chiếc máy ảnh thành vật vô dụng.
Nếu phải sử dụng máy ảnh, hãy trang bị cho nó một chiếc vỏ chống nước bên ngoài.

9. Để laptop trong ô tô

Bãi đỗ xe hay những điểm dừng xe của các doanh nhân thường là “điểm làm ăn lý tưởng” của những tên trộm. Tất cả những gì chúng cần làm chỉ là khoảng 10 giây để phá cửa chiếc xe và cuỗm đi vật dụng có giá trị nhất – thường là một chiếc laptop hay điện thoại di động đắt tiền. Trong trường hợp này, ngăn chứa đồ trong xe cũng không an toàn hơn là bao nhiêu.

10. Giữ lại tất cả email

Nhiều người thường có thói quen giữ lại tất cả những email đã nhận được trong hộp thư của mình. Với dung lượng hiện tại của các hộp thư, việc này không mấy quan trọng nhưng vấn đề là sẽ đến một lúc bạn sẽ không thể tìm lại được một email quan trọng nào đó.
Hãy sử dụng chức năng sắp xếp theo thư mục, gắn nhãn (tag), đánh dấu, tô màu… để hộp thư của bạn trở nên gọn gàng hơn. Trong một số trường hợp, hãy mạnh dạn sử dụng đến phím Delete.

11. Quên học phím tắt

Bạn có biết rằng ngày nay vẫn còn rất nhiều người không biết rằng tổ hợp phím Ctrl-C chính là lệnh sao chép (copy) và tổ hợp Ctrl-V là dán?

Không ai khuyên bạn cần phải học tất cả những phím tắt trên bàn phím nhưng với một số thao tác cần phải sử dụng thường xuyên thì những phím tắt sẽ giúp bạn rút ngắn một cách đáng kể khoảng thời gian ‘vô bổ’. Ví dụ, khi máy tính của bạn đang mở một tá cửa sổ thì việc bấm liên tiếp tổ hợp phím Alt-F4 sẽ giúp tắt máy nhanh hơn và về nhà sớm hơn.

12. Cài đặt quá nhiều những thứ linh tinh

Tại sao máy tính của tôi chậm thế?

Câu trả lời đôi khi rất đơn giản. Vì bạn đang cài tới 3 chương trình chat khác nhau, 7 loại thanh công cụ trên trình duyệt…
Thử gỡ bỏ càng nhiều càng tốt những thứ bạn không còn dùng nữa hoặc ít khi dùng xem. Chắc chắn chiếc máy tính sẽ được giảm tải và cải thiện tốc độ đáng kể.

13. Quẳng ngay biên lai mua hàng, giấy bảo hành

Trong thời đại kỹ thuật số, nhiều người đã rút ra một kinh nghiệm xương máu là: Sản phẩm sẽ hỏng ngay khi vừa hết hạn bảo hành.

Thế nhưng chúng ta vẫn rất coi thường những chiếc phiếu bảo hành (đôi khi biên lai mua hàng đồng thời là phiếu bảo hành) và đa số đều quẳng chúng vào một xó xỉnh nào đó không lâu sau khi mua hàng để rồi khi sản phẩm bị hỏng mới tá hỏa đi tìm.

Ngay cả khi đã hết hạn bảo hành, nếu bạn vẫn còn phiếu bảo hành hay biên lai mua hàng, bạn vẫn có thể mang sản phẩm đi sửa tại các hãng với chi phí rẻ hơn thông thường khá nhiều.

14. Xếp hàng mua sản phẩm công nghệ

Trừ phi bạn thừa rất nhiều tiền, thừa rất nhiều thời gian hay “máu mê” một sản phẩm nào đó quá mức… Còn không? Chúng tôi khuyên bạn đừng nên chen chúc xếp hàng vài tiếng đồng hồ chỉ để mua một sản phẩm mới.

Tin chúng tôi đi, 24 tiếng sau khi được bán hay thậm chí vài tuần sau sản phẩm đó vẫn chỉ như thế, không hề xấu đi hay kém hơn khi mới được ra mắt.

15. “Thụi” cho chiếc máy tính mấy phát

Điên tiết vì đang làm dở một việc quan trọng mà chiếc máy tính lại “lăn đùng ra treo”, ra lệnh mà mãi nó không chịu thi hành trong mình đang vội… Nhiều người đã không kiềm chế nổi và thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với chiếc máy tính của mình.

Xin vui lòng ghi nhớ, vài cái đập, dăm cú đấm có thể khiến chiếc máy tính mới “ốm nặng” hơn mà thôi, hoặc trong một số trường hợp nó còn chết hẳn và rồi chúng ta sẽ phải ân hận vì tự nhiên tốn thêm một khoản tiền kha khá cùng với vô khối thời gian.

Đó là chưa kể đến việc một file dữ liệu quan trọng nào đó đột nhiên ra đi cùng với chiếc máy tính.

16. Lưu file vào bất kỳ đâu

Nhiều người thường khốn khổ vì tật lưu file vào bất cứ chỗ nào có thể, bất cứ khi nào để rồi lúc cần đến chúng lại không thể tìm thấy đâu.

Hãy dành ra 2 giây để chọn nơi lưu cố định cho những file dữ liệu của mình và cũng làm như thế với hộp thư điện tử.

17. Quá tin vào Wikipedia

Khi bạn cần tìm kiếm một thông tin nào đó, cách tốt nhất là hãy lấy từ nguồn của những website chính thống và đáng tin cậy. Còn nếu bắt buộc phải lấy thông tin từ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia hãy bấm thẳng vào những đường link ở phía cuối trang để truy cập vào những nguồn gốc của chi tiết được đăng tải trên đó.

Thông tin trên Wikipedia rất có thể đã bị một kẻ nào đó sửa đổi nhằm mục đích riêng và mất đi sự chính xác, khách quan cần có.

18. Đăng những tấm ảnh vui nhộn lên mạng

Chia sẻ những giây phút vui nhộn với bạn bè thông qua các mạng xã hội thông thường không có vấn đề gì. Nhưng thử nhớ lại xem bạn có nói dối sếp để xin nghỉ việc ngày hôm diễn ra sự kiện đó không?

Lưu ý rằng, Facebook đang bị nhiều người chỉ trích vì chính sách bảo vệ quyền riêng tư của người dùng kém cỏi.

19. Tin tưởng những người bán hàng

Nếu đi mua sản phẩm và gặp một nhân viên bán hàng tỏ vẻ rất hiểu biết, thông thạo, đặc biệt là “hót như khiếu” thì tốt nhất là bạn hãy chỉ ‘nghe bằng một tai’ thôi nhé.

Giải pháp an toàn nhất là bạn nên tìm kiếm thông tin về sản phẩm, giá bán, nơi bán rẻ nhất, tìm hiểu bình luận của những người đã từng dùng sản phẩm này… trước khi đến cửa hàng, tránh mất tiền oan và sự bực mình không đáng có.

20. Một mật khẩu cho tất cả các dịch vụ

Đừng vì sợ quên mà dùng duy nhất một loại mật khẩu cho hộp thư điện tử, thẻ ATM, tài khoản mua bán trực tuyến, diễn đàn… bởi lợi ích mà nó mang lại (dễ nhớ) không cân xứng với những thiệt hại nặng nề nếu bạn để lộ mật khẩu này.

21. Không có địa chỉ email dự phòng

Đừng bao giờ dùng địa chỉ email chính của bạn để đăng ký nhận bản tin tự động của các website hay tiết lộ cho chàng trai/ cô gái mà bạn vừa quen qua mạng tối hôm qua. Một địa chỉ email dự phòng sẽ là giải pháp tốt nhất cho bạn trong những trường hợp này.

22. Quên đặt khóa cho chiếc smartphone

Một kẻ xấu tính sẽ làm gì khi nhặt được chiếc di động của bạn? Sẽ là vô số những cuộc gọi quốc tế, những cuộc gọi đến các dịch vụ giá trị gia tăng đắt tiền và sau đó là khai thác hết những thông tin trên đó.

Chẳng ai nói trước được điều gì và tốt nhất là hãy đặt mật khẩu cho tất cả các thư mục trên chiếc smartphone của bạn.

Theo PCW

https://09tct.forumvi.com

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết